Kinh nghiệm Phượt từ Hà Nội đi Lạng Sơn và sang Cao Bằng

Tôi thường đặt phòng khách sạn online qua trang web này

Loading...

Kinh nghiệm Phượt từ Hà Nội đi Lạng Sơn và sang Cao Bằng

Để đi Lạng Sơn và Cao Bằng có nhiều cách. Lần trước, mình đã hướng dẫn về cách đi Cao Bằng từ Hà Nội theo quốc lộ 3 qua Thái Nguyên, Bắc Kạn lên sẽ rất thuận lợi, đường vắng và đẹp (tuy rằng xa hơn, nhưng có thể qua các điểm du lịch như hồ Núi Cốc, hồ Ba Bể). Nhưng để rút ngắn khoảng cách hơn chút nữa và muốn kết hợp đi cả xứ Lạng, các bạn có thể đi theo hành trình Hà Nội-Lạng Sơn rồi theo quốc lộ 4A (từ Tân Thanh-Văn Lãng) đi sang Cao Bằng.

Nếu muốn đi theo chiều Hà Nội - Cao Bằng - Lạng Sơn bạn đọc bài viết: Phượt từ Cao Bằng đi Lạng Sơn

Từ Hà Nội đi Cao Bằng và Lạng Sơn hiện nay rất thuận lợi. Các bạn có thể thuê xe ô tô tự lái đi chơi, có xe riêng càng tốt, còn không thì phượt bằng xe máy (nếu có sức khỏe) hoặc không thì bắt xe khách rất nhiều. Tại bến xe Mỹ Đình, Lương Yên, Gia Lâm đều có xe chạy đi TP Lạng Sơn, Cao Bằng.

Nếu phượt theo đường quốc lộ 4A, thực ra nó là đường vành đai biên giới (phía trên đường 279) từ xứ Lạng sang Cao Bằng, các bạn cần chú ý như sau:

Chạy thẳng đường 4A là sang tận thị xã Cao Bằng, qua đèo Bông Lau (không qua đèo Mã Phục nhé) và qua các địa danh như Thất Khê, Đông Khê. Tổng khoảng cách đường là 120km.

Tuy nhiên, từ Đông Khê, quốc lộ 4A Lạng Sơn các bạn có thể đi luôn Trùng Khánh, thác Bản Giốc, cửa khẩu Tà Lùng, động Ngườm Ngao, hồ Hang Then mà chưa cần qua thị xã Cao Bằng, bằng cách: khi đến thị trấn Đông Khê (bắt đầu vào đất xứ Cao, rẽ phải theo tỉnh lộ 208 đi thẳng Phục Hòa. Từ huyện Phục Hòa, rẽ phải 7km nữa là đến cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, còn nếu đi thẳng là Quảng Uyên. Từ đây, rẽ trái theo quốc lộ 3 là về Cao Bằng qua đèo Mã Phục, còn đi thẳng tiếp là đến Trùng Khánh-thác Bản Giốc. Từ Phục Hòa về Cao Bằng chỉ 60km.

Hiện nay, đường 4A thuộc Lạng Sơn-Thất Khê rất xấu, bị xe container cày nát rất nhiều đoạn, nhất là từ tỉnh lộ 208 Đông Khê đi Phục Hòa vì xe chở container lên cửa khẩu Cao Bằng chạy cả ngày lẫn đêm. Song chỉ đi ô tô là vất vả, còn đi xe máy thì vẫn vô tư.

Từ Đông Khê về thị xã CB (theo đường thẳng 4A) hoặc từ CB chạy đi Trùng Khánh, Phục Hòa (tức là đường của Cao Bằng) thì lại rất ngon, xe chạy bon bon, đường tốt lắm. Lúc đặt chân lên đất Cao Bằng, mình cứ nghĩ sao xứ Cao mà đường lại ngon lành hơn xứ Lạng nhỉ.

Còn từ Lạng Sơn-Đông Khê rất hay bị tắc do container. Thi thoảng cũng sạt lở nữa.

Theo những thông tin nêu trên, các bạn có thể lựa chọn: một là tranh thủ đi du lịch thác Bản Giốc, cửa khẩu Tà Lùng trước khi về Cao Bằng, hai là chạy luôn Lạng Sơn Cao Bằng.

Theo đề xuất của www.daisudulich.vn thì các bạn không nên đi đường 4A làm gì vì cũng chẳng đẹp. Nếu từ Cao Bằng đi sang xứ Lạng hoặc từ xứ Lạng đi sang xứ Cao thì nên đi theo hành trình: Cao Bằng - đèo Mã Phục - Quảng Uyên – Trùng Khánh (thác Bản Giốc) - Phục Hòa - Đông Khê - Thất Khê - Lạng Sơn và ngược lại. Từ chỗ đèo Mã Phục đi Quảng Uyên cảnh rất đẹp, có cả ruộng bậc thang. Tới cách Quảng Uyên chừng 2km (mình nhớ không rõ nữa) có khu du lịch sinh thái cộng đồng Pắc Rằng, khá nhiều khách du lịch từ Cao Bằng đi thăm Pắc Rằng.

Pắc Rằng là một bản người Nùng An của mảnh đất Cao Bằng, sống bằng nghề rèn các nông cụ. Nét đẹp của Pắc Rằng ở chỗ: nơi đây còn lưu giữ được nhiều nhà sàn cổ, bằng gỗ, quy mô 2 tầng (giống như khu du lịch Mai Châu-Hòa Bình). Tuy nhiên, còn giữ được nét hoang sơ hơn. Pắc Rằng thuộc xã Phúc Sen-Quảng Uyên.

Nhóm mình lên tới Cao Bằng thì trời vừa tối. Tại thị xã, phố xá nằm bao quanh con sông Bằng Giang. Chỉ đứng trên các tòa nhà cao, các bạn mới trông rõ sông Bằng Giang khá đẹp (nhất là chiều thu).

Thị xã cũng nhỏ, đi quanh quanh chút là hết. Những con đường dễ nhớ là Phay Khắt Nà Ngần, Pắc Bó, Bế Văn Đàn. Buổi sáng ra, đường ở Cao Bằng thưa vắng lắm. Hiện nay, khách sạn mọc lên cũng khá nhiều, nằm quanh quanh khu trung tâm. Tuy nhiên, chất lượng khách sạn ở Cao Bằng cũng như Lạng Sơn, giá cũng same như nhau, cũng chỉ xoàng xoàng vậy. Khoảng 320.000 đồng/phòng nhỏ và 500.000 đồng/phòng lớn. Phòng giường đôi là 400.000 đồng.

Hỏi thăm thì được biết ở đây chỉ có 2-3 khách sạn 3 sao là Bằng Giang Hotel và Sunny Hotel, còn một cái nữa mình quên tên rồi (nhiều thứ trong đầu nên dễ quên quá). Trong đó, Bằng Giang đã có tuổi 10 năm, còn Sunny thì vừa khánh thành cuối năm 2012, theo mình là khách sạn VIP nhất hiện nay ở Cao Bằng.

Một đêm trải nghiệm tại Khách sạn Sunny Cao Bằng

Thời tiết & thời điểm

Thực ra, phượt vùng núi Tây Bắc, Đông Bắc thì càng về cuối năm càng tốt, thời tiết càng thuận lợi vì ít gặp mưa lũ, sạt lở tắc đường. Đồng thời, từ tháng 10-11 trở đi, lang thang du lịch vùng núi phía Bắc còn có một cơ hội tuyệt vời đó là có thể gặp mùa hoa tam giác mạch nở đẹp đến nao lòng ở Hà Giang và Cao Bằng, mùa hoa cải trắng ở Mộc Châu – Sơn La đẹp như “rừng tuyết”.

Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của mình thì nếu đi phượt Cao Bằng vào thời điểm tháng 8-9 mặc dù là cao điểm về mưa lũ, nhưng nếu chọn những ngày nắng ráo để lên đường, thì mọi người còn có một cơ hội để thưởng thức những “góc ngắm” khác, có thể chụp những bức ảnh đẹp mắt, đó là mùa lúa chín vàng (lúa thu) ở trên nương, các ruộng bậc thang cứ vàng ươm, trải ra vút mắt, uốn cong với một cảm giác khó tả. Khoảng tháng 4-5, lúa ở vùng cao cũng chín nhưng có lẽ vụ lúa chín mùa thu là đẹp nhất, lúc đó còn có chút sương lam giăng ở xa xa, đưa vào ống kính rất đẹp. Trời bắt đầu hanh hanh, khô ráo.

Riêng ở Mẫu Sơn-Lạng Sơn, dịp cuối năm còn là “mùa tuyết” nữa. Những năm gần đây, hầu như năm nào cũng xuất hiện tuyết ở khu du lịch Mẫu Sơn.

Tuy nhiên, nếu muốn ngắm cảnh đẹp thác Bản Giốc thì còn tùy thời điểm đi và sở thích, mùa lũ cũng có vẻ đẹp hùng vĩ riêng của thác nước, mà về mùa khô, con sông Quây Sơn chảy hiền hòa hơn, thác cũng nhẹ nhàng, mảnh mai hơn, có vẻ đẹp riêng của mùa khô.

Cao Bằng không có chỗ cho thuê xe máy

Tại thị xã Cao Bằng, mình có hỏi ở một số nơi thì hầu như không có chỗ nào cho thuê xe máy cả. Ở Cao Bằng du lịch vẫn còn kém nên dịch vụ cho thuê xe máy chưa xuất hiện. Giải pháp của mình là nếu có người quen thì có thể mượn xe để đi chơi các điểm du lịch ở quanh thị xã Cao Bằng.

Lên đường đi Trà Lĩnh, Trùng Khánh, Phục Hòa

Thực ra, đường từ thị xã Cao Bằng đi các điểm như Hà Quảng, Quảng Uyên, Phục Hòa-Tà Lùng, Trà Lĩnh, Trùng Khánh-thác Bản Giốc, hồ Thang Hen rất gần. Ở dưới Bắc Kạn, Lạng Sơn đi Cao Bằng thì đường dốc, nhiều chỗ khó đi chứ từ Cao Bằng đi các điểm du lịch rất thuận lợi. Thảo nào có nhiều người bảo: “Cao Bằng tức là lên cao thì bằng”. Ngay cả đoạn đèo Mã Phục nằm trên đường từ Cao Bằng đi Trùng Khánh, hồ Thang Hen, động Ngườm Ngao, cửa khẩu Tà Lùng… cũng không đến nỗi ghê gớm như các diễn đàn nói đâu. Hình như độ dài chỉ khoảng 4km, cũng khá dốc nhưng xe máy của dân vẫn chạy ngon lành cành đào, và cũng đẹp nữa, hơi cua chút.

Sẽ còn tốt hơn nếu các bạn có người thân quen ở thị trấn Trùng Khánh hoặc Quảng Uyên thì chỉ việc bắt xe khách lên đó, rồi mượn xe máy dạo chút chút là tới thác Bản Giốc.

Từ thị xã Cao Bằng, chỉ đi một tẹo là đến đèo Mã Phục. Lên đến đỉnh đèo sẽ có một cái ngã ba, chạy thẳng là lên cửa khẩu Hùng Quốc-Trà Lĩnh (đang xây dựng, chẳng có gì). Rẽ phải thì đi Quảng Uyên-Phục Hòa-cửa khẩu Tà Lùng và có một đường rẽ đi Trùng Khánh. Nếu không rẽ phải ở ngã ba đỉnh đèo Mã Phục mà chạy thẳng lên thị trấn Hùng Quốc-Trà Lĩnh cũng có một đường đi Trùng Khánh-thác Bản Giốc, đó là tỉnh lộ 211 chạy thẳng ra thác Bản Giốc.

Từ thị xã Cao Bằng có rất nhiều xe khách chạy đi Trùng Khánh (chỉ đến thị trấn thôi chứ không đến tận thác đâu, vào thác thì phải bắt xe ôm) và cửa khẩu Tà Lùng.

Nếu đi Trùng Khánh-Bản Giốc, các bạn cố nhấn ga thêm chút nữa là đến cửa khẩu Tà Lùng, cách Cao Bằng tròn 70km (xe khách chỉ chạy 1 tiếng đồng hồ). Tham khảo tiếp bài: Cửa Khẩu Tà Lùng có gì?

Bài viết chính: Kinh nghiệm Du lịch Cao Bằng
DMCA.com Protection Status
All Rights Reserved © 2015 Cable News Network. Turner Broadcasting System, Inc.