Bản đồ du lịch Mộc Châu
Văn Nguyễn đã có rất nhiều bài giới thiệu về khu du lịch Mộc Châu, địa chỉ các nhà nghỉ, cơ sở “homestay” giá rẻ, rồi hành trình từ Hà Nội lên Mộc Châu như thế nào, ăn uống ở đâu ngon và đông khách… Hôm nay mình sẽ “vẽ” tạm ra cho các bạn một lịch trình đi tham quan vui chơi ngắm cảnh và chụp ảnh đẹp Mộc Châu để tham khảo nhé.
Những thông tin mình nêu ra chỉ có tính chất “khung sườn”. Các bạn có thể căn cứ vào đó để vẽ lịch trình riêng cho nhóm mình theo kiểu “ngẫu hứng” và “tùy biến”.
Vẻ đẹp của cao nguyên Mộc Châu
Trước tiên, các bạn cần một chút hình dung về thảo nguyên Mộc Châu. Mộc Châu là điểm khởi đầu của tỉnh Sơn La, nằm giữa Mai Châu và TP Sơn La.
Từ Hà Nội để đi lên tới Mộc Châu, các bạn phải đi chặng đường khoảng 180km và qua các địa điểm du lịch hoặc địa danh sau (theo thứ tự nhé): Hà Nội -> Hòa Lạc -> Xuân Mai hoặc Hà Nội -> Hà Đông -> Xuân Mai.
Từ Xuân Mai -> Lương Sơn (cửa ngõ Hòa Bình) -> TP Hòa Bình (đập thủy điện lớn nhất VN, nay thì sau thủy điện Sơn La rồi) -> Dốc Cun (gần lối rẽ vào khu du lịch Thung Nai-> ngã ba Mãn Đức (lối đi về Kim Bảng) -> đèo Thung Khe (Mai Châu) -> thị trấn Mai Châu (lối rẽ vào khu du lịch Bản Lác) -> Hang Kia-Pà Cò (từng là điểm nóng về cây thuốc phiện) & Rừng già (khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Nha) -> xã Loóng Luông (cũng là điểm nóng ma túy)-> Mộc Châu.
Đây là cung đi theo đường 6 (cũ và mới đều được).
Khoảng cách đường là bao nhiêu? Hà Nội-Xuân Mai: 30-40km, Xuân Mai-Hòa Bình: 30km nữa. TP Hòa Bình đi Mai Châu: 60km và Mai Châu – Mộc Châu: hơn 60km nữa. Tổng khoảng cách 180km nhưng đi lại rất là dễ các bạn ạ. Đi xe máy từ HN lên MC, con gái cũng có thể phóng ầm ầm, hihi. Và nó cũng chỉ bằng khoảng cách từ TP Hà Giang lên huyện Đồng Văn mà lại dễ đi hơn rất là nhiều.
Còn một đường khác đi gần hơn và nhanh hơn nhưng nếu không quen thì các bạn sẽ khó tìm đường, vừa đi vừa phải hỏi thăm, đó là khi đến Xuân Mai-Lương Sơn thì rẽ trái theo đường Bãi Nai đi Kim Bôi rồi vòng lên Mai Châu-Mộc Châu.
Ở trên mình có nói Mộc Châu là điểm khởi đầu của tỉnh Sơn La. Thực ra thì vẫn đúng là như vậy, song mới đây nhất vào giữa năm 2013, huyện Mộc Châu đã được chia đôi rồi (ít người biết cái này) nên phân thành huyện Mộc Châu và huyện Vân Hồ. Các địa danh có cảnh đẹp như Loóng Luông, Suối Lìn nay đã về huyện Vân Hồ. Phải qua Vân Hồ mới tới Mộc Châu. Vì vậy, cửa ngõ của Sơn La chính xác thời điểm hiện nay là huyện Vân Hồ, nhưng không sao cả.
Thảo nguyên Mộc Châu và nông trường Mộc Châu
Về thị trấn Mộc Châu, các bạn cứ hình dung nó là một cái thị trấn chạy dài dọc theo con đường 6 từ dưới xuôi lên TP Sơn La-Điện Biên-Lai Châu nhé. Và gồm có hai khu gần như riêng biệt nhau một chút. Đó là:
1. Khu thị trấn cũ- còn gọi là thị trấn nông trường (nơi có Khách sạn Công đoàn Mộc Châu từ lâu lắm rồi, các nhà máy chè, nhà máy sữa rồi ở xung quanh là cả thảo nguyên đồng cỏ rộng mênh mang, màu xanh biêng biếc nếu đi vào mùa cây lá, những trang trại bò dựng ở bên đường- có trang trại nuôi hơn 100 con, ít cũng 18-20 con, vì thế mới có món bê chao Mộc Châu mà mọi người đều rất thích).
Hiện nay, khu thị trấn cũ nằm bao bọc dọc cả hai bên đường 6 cũ và mới.
Từ đường 6 cũ và mới đều có các đường ngõ xương cá đi thông sang nhau. Đường 6 mới xây dựng nên dân cư nằm thưa thớt lắm, chỉ có các quán ăn và khu mua bán đặc sản, đồ lưu niệm cho khách du lịch đang đua nhau mở ra đây. Còn dân cư vẫn chủ yếu ở dọc theo đường 6 cũ.
Nếu các bạn đặt nhà nghỉ ở bên khu thị trấn cũ (ở bên đây không có khách sạn, chủ yếu là homestay) thì sẽ rất tiện đi vào các điểm như: từ giữa thị trấn chỗ nhà nghỉ Trường Giang (bên đường 6 mới) đi thẳng vào trong khoảng 5-10km là bản Pa Phách 1-2 (thiên đường đào, mận).
Còn từ chợ 70 (đường 6 cũ) đi ngược lên hướng Tây Bắc là khu nông trường chè và bò sữa. Các điểm tham quan nằm dọc tuyến đường này gồm: Đồi chè trái tim Đài Loan và Ngũ Động ở Bản Ôn, đi lên 10km nữa là đồi chè Tân Lập, thêm 10km nữa là khu du lịch nhà sàn Bản Dọi…
Từ thị trấn cũ đi xuôi trở lại theo đường 6 cũ là nông trường chè Suối Lìn-Vân Hồ, cách khoảng 16km. Hôm trước có bạn comments cho mình hỏi nghe nói còn một đồi chè Nhật Bản ở Mộc Châu nữa cũng rất đẹp bên cạnh đồi chè trái tim Tân Lập, không biết ở đâu? Mình đã hỏi một cô bé là cán bộ kiểm lâm của huyện, cô cho biết đó là đồi chè Suối Lìn.
2. Khu thị trấn hành chính mới. Do thị trấn cũ đã quá chật chội nên khu trung tâm hành chính của huyện đã chuyển dịch lên phía trên (về phía đi TP Sơn La) rộng rãi hơn.
Có thể tạm chọn ngã ba Mộc Châu (các bạn nhìn trên Google Map sẽ rõ) là nơi phân chia giữa khu thị trấn cũ và khu mới. Từ ngã ba, các bạn đi qua một con đèo là sang khu mới. Hai khu cách nhau chừng 4-5km.
Đây lại là nơi mà vào Bản Áng và Rừng thông Bản Áng rất gần. Bản Áng mặc dù thuộc xã Đông Sang nhưng chỉ cách trung tâm huyện khoảng 2-3km và có thể coi là một góc của thị trấn Mộc Châu rồi (giống Bản Lác của khu du lịch Mai Châu).
Từ khu hành chính trung tâm đi thác Dải Yếm (còn gọi là thác Bản Vặt hoặc thác Thái Hưng, thuộc xã Mường Sang) cũng gần. Từ chỗ ngã ba đường 6 đi vào đến thác khoảng 5km thôi. Đi tiếp khoảng 35km là cửa khẩu sang Lào rồi (Loóng Sập-Pa Háng). Và từ đây, đi thêm nữa là vào khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Nha, đỉnh Pha Luông (nơi hiện nay khá nhiều bạn trẻ đang tìm vào để thực hiện những hành trình phượt và trekking Pha Luông đầy gian khó, nơi đã được nhà thơ nổi tiếng văn học VN viết trong “trường ca” Tây Tiến: “Pha Luông nhà ai mưa xa khơi”- như một bức tranh thủy mặc. Dẫu vậy, chinh phục Pha Luông là một thử thách. Cách đó một đoạn xa là xã Tân Xuân, nơi có những hòn đá có hình thù cực kỳ lạ, giống hệt như mai con rùa…
Khách sạn Sao Xanh và khách sạn Hương Sen nằm ở bên khu thị trấn mới.
Như vậy, từ thị trấn mới, sẽ có các điểm gần để đi tham quan là rừng thông Bản Áng, Hang Dơi, thác Dải Yếm, cửa khẩu Loóng Sập… Hang Dơi thì nằm ngay trên con đèo từ ngã ba thị trấn cũ sang thị trấn mới, rất dễ tìm. Thác Dải Yếm nằm ngay bên đường từ ngã ba thị trấn mới (đường 6 và đường 43) đi cửa khẩu Loóng Sập (bên tay phải, có biển chỉ dẫn). Thác cũng đẹp nhưng cảnh quan xung quanh không đẹp cho lắm. Chụp lên ảnh thì như vậy thôi, không thể nào sánh với thác Bản Giốc – Cao Bằng được, nó chỉ như rất nhiều những con thác nhỏ khác.
Nhận xét và so sánh
+Khu thị trấn mới đi vào Bản Áng + rồi thác Dải Yếm, đường lên cửa khẩu… mang dáng vẻ của một vùng đất có nhiều núi đá, dốc đồi với những thung lũng nhỏ nằm bên dưới, tầm nhìn ngắn.
+ Trong khi đó, khu thị trấn cũ là một nông trường trải rộng bao la với những triền đồi thoai thoải, mở hết tầm mắt để ngắm. Nhất là chỗ đi vào bản Pha Phách tiểu khu Vườn Đào và dọc đường lên đồi chè, nông trường chè.
+ Về cảnh thiên nhiên thì cả hai bên đều đẹp nhưng nhiều người sống ở Mộc Châu lại bảo khu bên nông trường có nhiều nơi cảnh đẹp hơn.
+ Về phố xá, bên khu thị trấn nông trường lem nhem và nhếch nhác hơn, xưa cũ hơn. Còn bên khu mới do quy hoạch và xây cất lại nên đẹp và hiện đại hơn. Cả hai bên đều rất giống với rất nhiều “phố núi”, cũng không có gì để lại ấn tượng ngoài tính cách của con người ấm áp và chân tình, mộc mạc, những lam lũ lo toan thường nhật của vùng cao.
+ Về ăn uống, ở bên nào cũng có nhiều cửa hàng, quán xá ăn uống nhưng quán ngon và có tiếng cùng truyền thống thì nằm hết ở bên thị trấn cũ nông trường rồi. Các bạn tham khảo thêm phần “đọc thêm” ở cuối bài để tìm hiểu rõ hơn nhé.
+ Chợ trung tâm thì nằm ở bên thị trấn cũ còn bến xe ở thị trấn mới. Nếu mua sắm thì phải qua thị trấn cũ.
Toàn bộ thông tin về Kinh nghiệm Du lịch Mộc Châu